HƯƠNG NGỌC LAN BLOG KÍNH CHÀO CÁC BẠN

Thứ Tư, 14 tháng 8, 2019

MÙA VU LAN

                                            MÙA VU LAN

                                                Hương Ngọc Lan
            Buổi sáng tinh mơ, ánh nắng nhẹ khẽ chạm lên khung cửa sổ. Mùi hoa ngọc lan thoang thoảng bên hiên dịu dàng đánh thức tôi dậy sau một giấc mơ dài với những hình ảnh xưa cũ cứ chập chờn 

Chả hiểu sao dạo này tôi cứ nằm mơ thấy lại những khoảng thời gian lúc mới năm, sáu tuổi, từ những khung cảnh nhà xưa, căn nhà vách bổ kho với góc sân trước có vườn trầu nho nhỏ, góc vườn sân sau có bến nước, đến những cái lu, cái cối đá bên cháy bếp hiên sau,... rồi có khi trong mơ xuất hiện lại cả hình ảnh những lần Ba chở tôi bằng xe đạp đi chợ huyện cách cả chục cây số, mua cho con gái món đồ chơi (con mèo) bằng nhựa nhỏ xíu, đôi bông tòng ten vàng sề, hộp bánh sâm banh (champagne) mà con thích... hay lúc đêm để lên võng hát ru tôi ngủ bằng bài hát "Tự nguyện", ... 

Những ngày cận tết mẹ thì túi bụi từ sáng sớm đến tận khuya để làm đủ thứ việc mà khắc sâu nhất vào tôi là hình ảnh mẹ bên chiếc cối xay... 

Một tuổi thơ thật ngọt ngào và hạnh phúc bên Ba Mẹ, dù lúc đó là thời bao cấp, kinh tế khó khăn nhưng trong ký ức của tôi ngày tháng trôi qua thật đẹp và thật êm đềm.

        Tôi đã từng được như thế đấy và bây giờ cũng vậy, khi tôi đã là một cô giáo có gia đình nhỏ của riêng mình với hai đứa con thật ngoan ngoãn và xinh xắn, một căn nhà riêng ở thành phố, tất cả gần như đều rất hoàn hảo, có thể là niềm mơ ước của một số người đấy chứ nhưng sao trong lòng tôi thỉnh thoảng vẫn có chút gì đó bâng khuâng, suy nghĩ, và những cảm xúc ấy làm cho tôi cảm thấy cuộc sống mình thoáng chút gợn sóng, buồn buồn mà không nói được.
        Con gái tám tuổi nằm bên cạnh, xoay người ôm lấy mẹ, mở mắt ngạc nhiên nhìn khuôn mặt bần thần của tôi:
        -Mẹ buồn hả mẹ?
        -Ừa! Mẹ nhớ bà ngoại!
        -Ủa sao lại nhớ vậy mẹ? Hông phải bữa nay mẹ hứa chở chị em con về thăm ông bà ngoại mà? 
        Hôm nay, ngày rằm tháng bảy, là ngày lễ Vu lan, nên tôi hứa đưa các con về ngoại, nhưng phải đi làm, chắc chiều mới đi được. Năm nào cũng vậy, cứ ngày này là mấy mẹ con đàn đúm kéo nhau về thăm ông bà, để các con có lời chúc sức khỏe, để cả nhà vui vẻ bên nhau như món quà  tặng báo hiếu bậc sinh thành dưỡng dục.

Nhưng không hiểu sao lễ Vu Lan lần này tôi lại thấy lòng mình day dứt một niềm tâm sự mà có nhiều lúc muốn sẻ chia với các con mình rằng bên cạnh cuộc sống êm đềm hiện tại với tình thương yêu đùm bọc của ông bà ngoại, mẹ còn một nỗi niềm không thể nói lên được, một sự ưu tư dành để trong lòng mà chưa biết phải tỏ bày sao nữa, nhưng có lẽ chúng chưa đến tuổi hiểu được nên thôi. 

Gần bốn mươi năm tồn tại trên cõi đời, tôi sống êm đềm hiện tại với tình thương yêu đùm bọc của ba mẹ, một gia đình yên ấm, một công việc ổn định, những đứa con đáng yêu như thiên thần, mà trong lòng vẫn đau đáu một tâm tư, một suy nghĩ, hay đúng hơn là một sự tò mò giá như tôi biết mình được sinh ra từ đâu, ai mới là người sinh ra mình. 

 Tôi tưởng tượng ra ngày tháng tư đầu hè nóng nực năm đó, tôi nằm lặng im trong tấm khăn mỏng, đặt trước cổng viện cô nhi, mấy con ruồi vo ve làm phiền đậu trên đôi má còn thơm mùi sữa. Rồi quý sơ trong trung tâm với lòng yêu thương bát ái đã nhặt tôi vào, chăm sóc, nuôi dạy. Để tới một ngày, có đôi vợ chồng đến tìm con đỡ đầu. Lướt qua những hình hài hiện hữu của hàng chục đứa trẻ, ánh mắt họ đã dừng lại trên khuôn mặt dễ thương của tôi, họ bị xao lòng bởi sự ngơ ngác của tôi. Đó chính là ông bà ngoại của các con tôi bây giờ.

Vu lan đến, mọi người đi chùa lễ Phật cầu nguyện cho cha mẹ, người ta dùng nhiều hình thức để ca tụng tình mẫu tử, người ta nói về nỗi nhọc nhằn của người mẹ, về sự hy sinh của mẹ cho những đứa con bé bỏng của mình, dù đánh đổi tất cả chứ không bỏ con mình. Và... tôi cũng vậy.

Bây giờ, nhất là khi tôi đang làm người mẹ nên tôi càng hiểu được tình yêu của mẹ dành cho con như thế nào, to lớn cỡ nào, dù là về tinh thần hay vật chất thì người mẹ cũng có thể đánh đổi để con mình được một cuộc sống tốt đẹp hơn mặc cho trái tim mình tan nát.
        Lòng tôi dường như chùng xuống khi nghĩ tới “người” đã tạo ra mình với một tâm thế không sẵn sàng đón nhận. Vì sao nhỉ? vì sao? Tự an ủi mình chắc là vì một lý do nào đó mà người ta phải bỏ tôi lại, chắc "người ta" cũng phải xót xa lắm, đau lòng khổ sở lắm mới phải chấp nhận lý do bất khả kháng là sống xa con của mình, chắc là vì một hoàn cảnh đặc biệt nào đó mới đành lòng rứt bỏ núm ruột, một phần xương máu của bản thân mình để mong con có cuộc sống yên ấm tốt đẹp hơn, sáng lạng hơn. hay là... hay là…, là sao nhỉ? chứ trên đời này có người mẹ nào mà không thương con? 
        Thỉnh thoảng thoáng chút bâng khuâng tự hỏi trên bước đường gió bụi mấy chục năm qua, liệu "người ta" có lúc nào nhớ tới đứa con của mình đã từng mang nặng đẻ đau, có bao giờ tưởng tượng ra cuộc sống của đứa bé ấy bây giờ như thế nào? đang ra sao?! Còn tồn tại hay đã hóa thành cát bụi trong cõi đời tạm bợ này?! 
        Người ta có biết đứa bé đã trưởng thành, đã là mẹ của hai con nhỏ, với cuộc sống an nhiên, hạnh phúc? 
         Chắc người không biết đâu và tôi cũng vậy, tôi cũng không biết liệu người có còn tồn tại trên cõi đời này?
        Tôi không dám nghĩ điều sai trái, không dám trách hờn, cũng như chưa dám nghĩ tới điều xấu nhất, tôi chỉ mong rằng "ai đó" biết được, hãy nghĩ về điều tốt đẹp nhất, hãy tin vào phép màu, hãy an lòng về cuộc sống hiện giờ của con mình, hãy tin đứa bé năm nào đang sống rất tốt và hạnh phúc. 
           Mùa Vu lan, mùa báo hiếu, xin thắp nén tâm hương lên cao tầng trời xanh, cầu xin Đức Phật ban bình an và sức khỏe xuống cho Ba Mẹ tôi, đem sự yêu thương ấm áp cho những người mẹ mà vì lý do nào đó không được gần con của mình. Nương theo câu kinh Vu Lan gửi đến “xa xôi” những lời yêu thương và biết ơn. 
        Bỗng tôi thấy lòng mình nhẹ nhàng khi nghĩ về những gì mà tôi đã trải qua, tự mỉm cười và lặng lẽ đưa tay sờ lên áo mình, vẫn còn đây một bông hồng đỏ thắm.  
Rằm tháng bảy năm 2020 







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét