HƯƠNG NGỌC LAN BLOG KÍNH CHÀO CÁC BẠN

Thứ Năm, 20 tháng 8, 2015

VÀI NÉT VỀ THƠ TÌNH CỦA TÁC GIẢ CHÂU NGUYỄN (HƯƠNG NGỌC LAN)

VÀI NÉT VỀ THƠ TÌNH CỦA TÁC GIẢ CHÂU NGUYỄN (HƯƠNG NGỌC LAN)
NHÂN ĐỌC TUYỂN TẬP THƠ “DÒNG THỜI GIAN”
Tôi có được nhận cuốn Tuyển tập thơ “Dòng thời gian” được mấy hôm, trong lòng cảm thấy rất vui. Đây là một cuốn Tuyển tập thơ với nhiều tác giả, trong đó có tôi cũng đóng góp mấy bài. Tôi chưa có thời gian để đọc kỹ thơ của từng tác giả một, nhưng cũng đã đọc lướt qua gần hết, và tôi chợt dừng lại ở trang thơ của tác giả có tên là Châu Nguyễn. Tôi đặc biệt có ấn tượng với những bài thơ của người này. Có thể nói đây là một nữ sĩ mà có những bài thơ tình làm “mê đắm lòng người” theo cách nghĩ của tôi. Bởi lẽ thơ của Châu Nguyễn nó có một cái gì đó rất thực, rất dung dị mà tràn đầy cảm xúc chân thực. Nói thế không phải các tác giả khác không có điều đó, nhưng xin nhắc lại đây là cách cảm nhận của riêng tôi về tác giả.
Nói về đề tài về tình yêu trong thi ca thì ta cũng không còn xa lạ gì, vì nó là một chủ đề xuyên suốt từ ngàn xưa cho đến nay và có lẽ ở mai sau nữa. Nhưng để viết về tình yêu cho hay, cho hấp dẫn, cho cảm xúc thì không phải nhà thơ nào cũng thành công được. Ta từng biết đến Xuân Diệu là “Ông hoàng của thơ tình”, Nguyễn Bính hay Xuân Quỳnh…Họ là những cây bút tên tuổi trong giới văn học của chúng ta. Ta biết đến họ, không phải vì thơ họ được đăng nhiều, được in nhiều mà chính từ cái nét độc đáo trong cảm xúc về tình yêu của họ trong thi ca đã làm nên chính tên tuổi và con người của họ. Thì ở đây ta nói, trong cái thế giới đương đại nhiễu nhương với những trào lưu du nhập từ nước ngoài nó làm cho tình yêu dường như cũng biến đổi, những cuộc ăn chơi trác táng, những lối sống ích kỷ, đồi trụy, rồi sống thử, yêu thử…Tình yêu không còn được nhìn dưới cái nhìn trong sáng, lãng mạn như ngày xưa. Càng hiếm hơn khi nghe đến những từ, cụm từ như: Chung thủy, Chung tình hay “Một mái nhà tranh, hai quả tim vàng”. Nhưng đời ta hay thấy cái gì càng hiếm thì lại càng quý. Vâng, điều tôi muốn nói đến chính là tác giả Châu Nguyễn, chị đã xuất hiện giữa thế giới đương đại với những gì hi hữu về tình yêu thì lại hiện diện đầy đủ trong con người của chị.
Trong tình yêu, cái nỗi nhớ về người yêu bao giờ nó cũng đeo đẳng trong tâm hồn của một người đang yêu, họ lúc nào cũng hình dung về hình ảnh của người yêu mình trong tâm trí của họ. Nói nôm na theo cách gọi của Nguyễn Bính thì đó gọi là “bệnh tương tư”, mà là bệnh thì phải chữa, mà ngặt nỗi bệnh này không dùng thuốc, không châm cứu, không dùng bất cứ một phương pháp nào của Tây Y, Đông Y… mà phải “dùng độc để trị độc”. Nghĩa là chỉ có những người họ yêu nhau thì mới chữa được cho nhau, đấy mới chính là điều kỳ diệu của tình yêu. Nguyễn Bính là đàn ông, nhưng nhà thơ lại “tương tư” thành bệnh, thì một người phụ nữ bình thường mà bất thường như Châu Nguyễn thì cái bệnh ấy chắc có lẽ nó di căn và nặng hơn rất nhiều.
Tình yêu trong thơ Châu Nguyễn ta không biết chị yêu đơn phương hay vì một lý do nào đó hai người họ cách chia nhau, để rồi ta thấy cái nỗi nhớ người yêu của chị rất mãnh liệt.
“Dõi mắt về phương ấy
Con tim trót gửi cho người
Nụ hôn xua tan sầu tủi
Nhìn mưa nhớ lắm anh ơi”
(Nụ hôn của nhớ)
“ Phương ấy ” chính là phương mà người yêu của tác giả ở đấy. Đôi mắt của chị lúc nào cũng dõi theo ngóng đợi sẽ mong thấy được bóng dáng của người yêu mình sẽ xuất hiện. Xuân Quỳnh từng viết :
“ Dẫu xuôi về phương Bắc
Dẫu ngược về phương Nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh-một phương ”
(Sóng)
Thì có lẽ tâm trạng của Châu Nguyễn ở đây cũng vậy, nơi nào có anh thì phương đó là phương duy nhất em dõi mắt nhìn theo. Bởi vì “ Con tim trót gửi cho người ” rồi !. Nhưng biết làm sao đây khi không có anh ở bên cạnh mình, lòng chị cảm thấy lạnh giá biết bao. Tác giả nhớ lại nụ hôn đắm đuối đầu tiên của hai người khi còn ở bên nhau để làm ấm lại con tim của mình, để xua tan đi cái giá băng, lạnh giá, nỗi sầu... “ Nụ hôn xua tan sầu tủi ”. Nhưng nhớ lại nụ hôn ấy cũng chỉ là trong thoáng chốc để rồi khi trở về với thực tại thì những cơn mưa ngoài trời càng làm thêm tăng lên những nỗi da diết về người yêu của tác giả “ Nhìn mưa nhớ lắm anh ơi ”.
Nỗi niềm băn khoăn ta hay thấy ở tâm lí của những người đang yêu là họ hay đặt những câu hỏi trong lòng mình là : “ Nhớ họ, mà không biết họ có nhớ mình không ”, nhất là những người phụ nữ đang yêu như Châu Nguyễn thì những câu hỏi ấy lại càng nhiều hơn, càng tha thiết hơn.
“Có khi nào đứng trước hoàng hôn
Anh chạnh lòng nhớ người em bé nhỏ
Có khi nào anh gửi vào trong gió
Lời thầm thì : « Anh rất nhớ em » không ? ”
(Có khi nào)
Điều đó nói lên điều gì, nghĩa là tình yêu của em « tác giả » dành cho anh là một lòng, một dạ, sắt son chung thủy. Lúc nào em cũng nghĩ đến anh, nhớ đến anh và yêu anh hết mực dù cho thời gian có qua bao lâu đi nữa.
“Dù đêm đông hay ngày hè quạnh quẽ
Vẫn miệt mài theo mãi bước chân anh ”
(Bóng).
Trong cái thế giới tình yêu từ muôn kiếp đến nay, thì ta thấy khi yêu người phụ nữ thường là những người chịu nhiều hy sinh nhất, họ yêu với con tim say đắm, bao dung, chân thành và đầy sự vị tha. Họ luôn là người “ Khôn ngoan ” khi yêu, không phải cái khôn ngoan lõi đời mà ta thường nghĩ, mà cái khôn ngoan của họ là sự khôn ngoan về đức tính. Họ biết rào đón trong tình yêu, rào đón không phải để được lợi cho mình, mà việc làm của họ cũng tất cả vì người yêu, dù cho người yêu của họ có thể phụ bạc họ. Ta nhớ có một bài ca dao rất hay đã nói về cái khôn ngoan này :
“ Ngày xưa anh bủng anh beo
Tay nâng chén thuốc lại đèo múi chanh
Bây giờ anh tốt, anh lành
Anh bên duyên mới, anh đành phụ tôi.
Đất xấu nặn chẳng nên nồi
Anh đi lấy vợ để tôi lấy chồng
Chàng về lấy vợ cách sông
Thiếp tôi lơ lửng lấy con ông lái đò
Phòng khi chàng có sang đò
Sông sâu, nước lớn thiếp lo cho chàng ”
(Ca dao)
Như bài ca dao ta thấy rõ ràng người phụ nữ bị chồng phụ bạc, ban đầu ta thấy người phụ nữ hờn dỗi về điều ấy và có vẻ oán trách chồng, nhưng không phải chuyện thường tình như ta nghĩ, mà đó là dụng ý của cô ấy nói « ly » để rồi « hợp ». Ban đầu thì có vẻ oán trách nhưng cuối cùng cũng chỉ là để “ thiếp lo cho chàng ”, một cái kết vô cùng có hậu. Người phụ nữ khi yêu muôn đời là vậy, luôn nhẫn nhục, hy sinh, chịu đựng để đem đến tất cả những gì là hạnh phúc nhất, yên vui nhất đến người yêu của mình. Và ở đây ta thấy tác giả Châu Nguyễn cũng không ngoại lệ, đức tính cao quý trong chị cũng thể hiện khá sâu sắc trong những vần thơ đầy cảm xúc :
“ Khi anh vui trong hạnh phúc cũng đành
Bóng thầm lặng nhẹ nhàng tan như khói
Lúc anh đứng trên hào quang sáng chói
Bóng lui về nhường lối bước cho anh ”
Hay :
“Khi anh ngã bóng trườn mình ngã trước
Đỡ nâng anh khỏi trầy xước cuộc đời ”
(Bóng)
Một người phụ nữ biết nghĩ như vậy thì còn gì tuyệt vời bằng hơn nữa. Rõ ràng quá khôn ngoan, cái khôn ngoan mà ta thể cảm nhận được rằng : Nếu nữ sĩ Xuân Quỳnh bây giờ có sống dậy thì cũng phải gật đầu thán phục. Đọc những vần thơ trên của tác giả Châu Nguyễn mà ta thấy thương cho chị, thương những nỗi nhớ ngày đêm da diết ; thương cái tấm thân bé nhỏ, mong manh, yếu đuối của một người phụ nữ nhưng lại có một tình yêu vĩ đại vô cùng ; thương cho những cái đức sự hy sinh cao quý của chị. Một người phụ nữ tuyệt vời như vậy nhưng sao ta vẫn thấy nỗi cô đơn luôn đeo bám, ánh ảnh chị, để rồi những ngày lễ người ta có đôi có cặp đi chơi với nhau, quấn quýt bên nhau. Nhìn những dòng người qua lại như trong lòng tác giả lại thêm càng thêm chạnh lòng. Chị cảm thấy mình cô độc giữa cuộc đời, chị lê từng bước chân mệt mỏi giữa con phố nhỏ mà cứ ngỡ mình đi trên một bãi sa mạc lẻ loi, đơn độc.
“Lễ tình nhân người ta cùng chung bước
Còn riêng mình ôm gối chiếc đơn côi
Nẻo đi về hôm sớm bước lẻ loi
Đi trên phố cứ tưởng như sa mạc ”
(Lặng lẽ)
Những lúc ấy Châu Nguyễn chỉ ao ước một điều đơn giản nhất là có một vòng tay của người yêu ôm chặt mình, nhưng có lẽ điều đơn giản ấy cũng khó có thể thành hiện thực. Chị càng cảm thấy lạnh lẽo hơn trong đêm vắng trên con phố nhỏ mà bao lần nhớ “ anh ” đôi chân chị dường như muốn đi lạc chưa định hướng được lối về, chưa biết mình phải về đâu... !
“ Phố nhỏ thôi mà bỗng dưng bị lạc
Đi loanh quanh mà chẳng biết về đâu
Nhìn người vui mà dạ chứa chan sầu
Rồi lại ước được vòng tay ôm chặt ”
(Lặng lẽ)
Một điều nữa ta hay thấy trong thơ tình yêu, đó chính là ánh trăng. Ánh trăng trong thơ tình yêu luôn ghi dấu những lời thề, lời minh chứng cho những đôi lứa yêu nhau.Trăng ghi dấu tình yêu của họ như trăng trong thơ của Xuân Diệu hay trăng trong thơ của Hàn Mặc Tử. Hoặc trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, chàng Kim Trọng và nàng Kiều cũng đã có những lời thề nguyền “ ghi tạc đá vàng ” dưới ánh trăng...Như vậy, ánh trăng luôn là một hình ảnh thiêng liêng trong tình yêu.
Trở lại với tác giả Châu Nguyễn, chị cũng có những đêm hò hẹn, thề nguyền với người yêu của mình dưới ánh trăng huyền ảo. Trăng thì khi tròn khi khuyết, nhưng họ nguyện là nửa mảnh trăng khuyết của nhau để khi ghép lại thì là một vầng trăng tròn và soi sáng tình yêu cho nhau xuống khắp thế gian này.
“ Anh bảo rằng em là vầng trăng khuyết
Anh sẽ là một nửa của trăng kia
Hợp lại nhau tròn mãi không chia lìa
Và thắp sáng yêu thương cho mặt đất ”
(Một nửa trăng buồn)
Nhưng đó chỉ là lời hứa của ngày xưa, về với thực tại thì chỉ có một vầng trăng khuyết là chính tác giả. Người yêu, người tình của chị đã không ở bên, những lời hứa khi xưa chị vẫn nghe vang vẳng đâu đây. Chị vẫn cứ đợi anh, chị đợi anh, đợi mãi, dù cho thời gian có qua đi và dần lấy đi “ hương sắc ” của mình :
“ Nhưng hôm nay nửa trăng kia đâu mất
Để nửa trăng phải lặng lẽ khuyết sầu
Chờ đợi người ở mãi tận nơi đâu
Để năm tháng héo gầy thêm hương sắc ”
(Một nửa trăng buồn)
“ Hương sắc ” của tác giả có thể phai tàn theo thời gian vì sự chờ đợi, nhưng ta có thể biết rằng sự chờ đợi ấy trong tác giả chưa bao giờ có ý định buông bỏ.
Tóm lại, bằng những biện pháp nghệ thuật miêu tả, nhân hóa, tượng trưng, liên tưởng...qua một số đoạn thơ của các bài thơ trên, tác giả Châu Nguyễn đã cho ta thấy được một tình yêu chung thủy, son sắt, bao dung, vị tha mà tác giả đã dành cho người yêu của mình. Điểm đặc sắc hơn ở con người tác giả là giữa cái bề bộn của cuộc đời hôm nay mà ta vẫn thấy được những nét cao quý trong tâm hồn của một người phụ nữ đang yêu, một tình yêu trong sáng, thanh cao không bị vướng bẩn bởi cái lối sống tư sản của thời hiện đại. Thật đáng tự hào và đáng mừng khi Châu Nguyễn xứng đáng là người tiếp nối, là hậu duệ của những tên tuổi các nhà thơ tình trước đấy mà chúng ta đã từng biết trên thi đàn Văn học Việt Nam.
Bài viết này cũng như là bó hoa riêng tôi dành tặng chị. Chúc chị sức khỏe và tiếp tục cống hiến, dâng đời những vầng thơ hay.
Quảng Ngãi, ngày 06/ 08/ 2015
Tác giả
ha
Hoài Ân




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét