HƯƠNG NGỌC LAN BLOG KÍNH CHÀO CÁC BẠN

Thứ Hai, 15 tháng 4, 2024

MÓT LÚA

Truyện ngắn: MÓT LÚA 

Xã Tân Hòa Thành quê tôi trước năm 1995 nhiều ruộng lúa lắm. Vậy mà nhà tôi ở đồng nhưng lại không có ruộng, vì chỉ có mấy trăm mét vuông đất để cất nhà mà thôi.

Mẹ tôi là cô giáo cấp 1 ở trường xã, buổi sáng đến trường dạy đám học trò quê, rồi buổi chiều hay rủ tôi đi mót lúa về để nuôi bầy gà vịt. Những bông lúa chét của cánh đồng vừa gặt hay những khóm lúa đầu bờ mà chủ ruộng bỏ sót, thì nó sẽ chui vào chiếc bao sau lưng của mẹ con tôi để sau một buổi sẽ có cả bao lúa đầy ắp.

Tôi, cô bé tuổi 12 tất nhiên là vui vẻ đi với mẹ rồi. Ngoài việc mót lúa phụ mẹ thì còn được chạy nhảy thoải mái của đôi chân sáo

Nguời làm ruộng lúc ấy còn cắt lúa bằng liềm chứ không phải dùng máy gặt đập liên hợp như bây giờ. Vậy nên lượng cây lúa còn sót cũng khá nhiều. Đó là những cây lúa lẻ loi trên đường bờ hoặc cây lúa “đẹt” quá, không cao bằng anh chị nên cái liềm không cắt được. Thành ra người cắt…bỏ luôn khiến cho người mót có lúa mà mót.

Mẹ con tôi chuẩn bị hai cái bao, nón lá đội lên đầu, dùng khăn rằn trùm đầu và bịt mặt chứ lúc ấy chưa có khẩu trang đâu. Thêm một ấm nước mát để uống là đủ dụng cụ hành nghề mót lúa.

Đôi bàn tay cô bé 12 đầy khỏe mạnh của tôi sẽ vác cái bao trên vai trái, tay phải thì rút từng bông lúa sót đó nhét vào bao. Những bước chân khỏe mạnh rảo nhanh trên ruộng lúa vì bấy giờ mặt ruộng khô hẳn rồi, không còn nhoèn nhoẹt bùn sình đâu. Một bông…hai bông…mười bông…là tôi đã bỏ xa mẹ một đoạn. Vai này vác bao mỏi thì đổi qua vai kia, để cái tay luôn khỏe mạnh mà nhanh nhảu rút những bông lúa lơ thơ trong gió kia bỏ vào bao.

Thật ra thì có nhiều bông lúa chắc nụi nhưng cũng không ít bông lúa lép xẹp. Mà có sao đâu, miễn bông lúa là cứ mót, đàn gà vịt nhà tôi không chê chắc lép gì cả, miễn đầy bao đem về cho chúng ăn là được. Mót lúa vậy chứ nhiều khi cũng “trúng mánh” lắm, đó là một mớ lúa đã cắt rồi chất đống nhưng lúc ôm bỏ lên xe thì còn sót lại do dính ngập bùn sình nên người ôm…bỏ luôn cho chim ăn. Chỉ cần gặp được ba khóm lúa bị bỏ sót như vậy thôi, kèm luôn cả mớ sình dính thì đã nửa bao nặng trĩu.

Mót lúa còn có niềm vui bất ngờ nữa là…lượm được trứng vịt hay trứng chim gì đó. Dù chỉ là một hai trứng thôi nhưng tôi vui suốt cả buổi vì cảm giác đó là “tài sản riêng” của mình. Trứng vịt lượm ở ruộng thường hay…dơ hơn trứng bán trong tiệm, trứng cũng nhỏ hơn, có lẽ vì do con vịt lo chạy theo bầy mà đẻ rớt nên trứng nhỏ vậy. Trứng chim thì nhỏ hơn hưng sẽ được bốn quả, vui ơi là vui vì cô bé tuổi 12 luôn tính phải chia sao cho công bằng với ba người mà có bốn quả trứng.

Mấy khi lượm được trứng vịt, tôi hay nói với mẹ rằng “Đừng có luộc dầm nước mắm nha mẹ! Để ấp cho nó thành con vịt, rồi nhà mình sẽ có một đàn vịt, mai mốt lớn bán nhiều tiền lắm ạ”. Mẹ cười hi hi “Ai ấp? Con hả? Rồi con vịt ăn cái gì để lớn? Không lẽ nó ăn cỏ?”.

Bóng hoàng hôn đã khuất dần, đồng ruộng mênh mông càng thanh vắng, một tiếng “mẹ ơi” cũng vọng đi rất xa khiến tôi rất sợ…ma nên mẹ con lục đục đi về.

Lúa mót về tôi còn một niềm vui nữa là chơi trò “nổ cốm”. Bếp củi nấu cơm nấu nước còn đó, lấy cái nồi cũ xì đặt lên bếp và cho vài bông lúa vào nồi. Nồi nóng, lúa nổ lung bung, có hạt nở to trắng như hoa cau văng tuốt ra ngoài đất.

Chừng nồi lúa hết nổ thì nhắc xuống, chị em thi nhau thổi phù phù cho hết nóng rồi cầm từng hạt lúa nổ thành những cái hoa bé li ti đó, bóc lớp vỏ trấu ra và “ùm” hạt cốm còn nguyên cám vào miệng.

Cảm giác vừa ngọt vừa thơm của hương lúa mùi khói, mùi nắng của sự mướt mồ hôi cả buổi chiều mà hít hà vì ngon tuyệt.

Nhưng mẹ không bao giờ chơi trò nổ cốm để cùng ăn cốm với chị em tôi được, vì mẹ còn bận soạn giáo án cho buổi dạy ngày mai. Cô giáo cấp 1 nên mẹ dạy hết các môn cho đám học trò nhỏ, chứ không phải giáo viên nào dạy môn nấy như học sinh cấp 2. Vì vậy nên Mỹ thuật, Kỹ thuật mẹ tôi cũng dạy, Âm nhạc cũng kiêm luôn. Thành ra nhà lúc nào cũng có cây đàn Mandolin và đầy ắp giấy màu, keo dán, kim may, chỉ màu… để mẹ dạy học trò thêu tên, thùa khuyết.

Bạn bè tới chơi thấy mẹ ôm đàn và hát giòn giã những bài “Bắc kim thang”, “Chú ếch con”, “Cháu yêu bà” thì đứa nào cũng tròn mắt thán phục

Nghề giáo của mẹ tôi không đem lại sự giàu sang như bao người buôn bán ở chợ hay làm vườn để trúng mùa trúng giá. Nhưng mẹ dạy tôi “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, ba làm thợ hồ luôn theo công trình xa, nhà con ba mẹ con sẽ ăn uống chẳng bao nhiêu. Nuôi thêm gà vịt trong chuồng để khi chúng lớn thì bán kiếm thêm thu nhập, trồng mấy luống rau ngoài bãi đất thừa của ông Hai hàng xóm để có được rau xanh ăn hàng ngày.

Hai chị em tôi lớn lên, đứa theo nghề giáo, đứa làm kế toán doanh nghiệp nhưng vẫn học theo mẹ sự chăm chỉ siêng năng. Căn nhà nhỏ của tôi cùng chồng con lúc nào cũng đủ rau xanh để dùng, dù ở phố không nuôi được nhiều gà vịt như mẹ ngày xưa, nhưng tôi cũng nuôi được mấy con gà mái theo mô hình “nuôi gà trên nóc nhà” để lấy “trứng sạch” cho các con dùng

Bây giờ kể chuyện mót lúa cho các con nghe, chúng đều mắt tròn mắt dẹt, hầu như chúng không tin là phải khó khăn thế nào mới có được hạt lúa, bởi vì chúng chỉ thấy mẹ…ra siêu thị là có gạo đem về.

Mẹ tôi bây giờ gối mỏi chân run, nhắc chuyện cô giáo ngày xưa sáng lên lớp, chiều ra ruộng mót lúa, mẹ chỉ cười móm mém “Hông biết hồi đó sức ở đâu mà làm việc dữ chừng vậy hén con”.

Ôi thời gian…

Tháng 7. 2022

Hương Ngọc Lan





ĐỢI

 ĐỢI

em cứ đợi ...
sao hoài anh chẳng nói
dù một lần gọi thăm hỏi cho nhau
em mòn mỏi ngóng trông dòng tin nhắn
qua bao ngày điện thoại vẫn lặng thinh
em cứ đợi một ngày anh chợt nhớ
những ngày đầu ta bẽn lẽn nhìn nhau
rồi ngây ngất giống thuở còn mười tám
say men tình như vừa mới biết yêu
em cứ đợi
đợi mỏi mòn héo úa
tiếng yêu nào vừa chớm bỗng ly tan
em xơ xác
em rỗng không
loi lẻ
anh lạnh lùng quay gót
chẳng từ ly
em cứ đợi ...
như là ngày sau cuối
hồn dật dờ
tơi tả
rã rời tim
em cứ đợi đến kiệt cùng thương nhớ
trút hơi tàn
kiếp nữa
vẫn đợi anh
2018
HNL

TUỔI GIÀ CỦA MẸ

TRUYỆN NGẮN: 

TUỔI GIÀ CỦA MẸ 

Ông bà xưa đã nói “cái mũi luôn quay xuống” có lẽ là không bao giờ sai, nhất là trong thời buổi hôm nay. Khi mà cuộc sống luôn chộn rộn, phải bôn ba vất vả chứ không có cảnh thảnh thơi “ở nhà chồng nuôi” như phim ảnh. Ấy là chưa kể những mảnh đời của cuộc hôn nhân vỡ vụn khiến đứa trẻ thiếu cha vắng mẹ thì những đứa trẻ phải quấn quýt cùng hơi ấm ông theo bà thay cho cha mẹ. Từ đó bỗng dưng tuổi già của mẹ bỗng nhọc nhằn hơn, thời gian trong ngày như ngắn lại hơn, sức khỏe xuống dốc hơn…tất cả vì tấm lòng bao dung với con cái.

***
Dưới dốc cầu Bạch Nha có cái tiệm sửa xe của ông Tám nhót. Ông thứ Tám, cái chân bị tật phải đi cà nhót nên người ta gọi như vậy cả chục năm nay, riết rồi không ai nhớ tên thật của ông là gì nữa. Bà đến sửa xe bởi chứng “bệnh” dây sên giãn và xe phun khói đen và “có con kéc trong máy xe hay sao ấy”.
Hai đứa trẻ trên xe léo nhéo không chịu xuống, đứa ngồi sau cứ giật giật áo bà
- “Đi chơi đi "nhội", chạy ẹn ẹn nữa đi "nhội”.
Đứa ngồi trước cầm bình sữa vừa bú vừa giơ lên mặt bà bảo
- “Quại ơi…chạy i…chạy i…
hết chữa ồi…”.
Bà tháo nón bảo hiểm để lộ mái tóc đầy sương lòa xòa như không được chảy gở kỹ càng. Chiếc khẩu trang của bà cũng ám màu thời gian sau đôi bàn tay sạm đen.
Dỗ dành bọn trẻ xong rồi bà cũng xuống được xe. Trong khi chờ thợ “chẩn đoán” bệnh của xe thì bà quay sang tôi:
- Cô giáo bị hư xe hả? Nhìn cô giáo chắc bằng nửa tuổi tui! Sáu tám chứ ít gì, người ta thảnh thơi đi chùa, đi tham quan đây đó, có bệnh cũng được nghỉ. Còn tui mắc hai đứa này bốn năm nay…
- Thì bác cứ để ba mẹ của chúng giữ, mình già rồi, sức khỏe kém rồi!
Tôi trả lời mà không nồng nhiệt lắm bởi cái nắng oi mười giờ sáng tháng năm đủ làm mồ hôi bết dính vào tà áo dài đang mặc làm tôi khó chịu quá. Hôm nay đáng ra không có tiết của tôi, nhưng vì đồng nghiệp bệnh đột xuất, mà mấy pnhỏ sắp thi, và không còn thời gian học bù nên không thể bỏ được. Vì vậy nên trong tâm lý không chuẩn bị mà vẫn phải lên lớp làm tôi khá mệt mỏi. Lòng chỉ thầm mong về nhà nhanh mà thôi. Vậy mà cái xe bị xì bánh bất ngờ làm tôi phải dẫn bộ một đoạn và ghé vào tiệm sửa xe này.
Bà lão đối diện vừa quẹt mồ hôi vừa trò chuyện, kiểu như bà “thèm được nói chuyện” vậy:
- Được vậy thì đâu có cực hả cô? Đứa cháu nội thì cha mẹ nó đều đi làm, nuôi con nuôi cả mình, thì bỏ nó cho ai. Giao cho người ta giữ tháng cũng tốn ba bốn triệu, thôi mình giữ cũng đỡ tốn cho con cái. Còn đứa cháu ngoại thì cha mẹ nó ly dị, con gái tui đi làm công nhân xa từ hồi con của nó được sáu tháng. Không giữ nó, cho vô nhà trẻ cũng được, nhưng lương mẹ nó năm sáu triệu, trả nhà trẻ hết ba triệu còn gì mà sống?
Đứa con gái của bà mười chín tuổi đã lấy chồng. Chẳng là gia đình khó khăn quá, bà luôn dạy con bằng tư duy cũ “Con gái học cho lắm cũng lấy chồng sinh con, thôi nhường phần học lại cho anh đi con ạ”. Cô con gái ngoan ngoãn nghỉ học từ xong lớp Chín, ở nhà cơm nước giặt giũ, sau đó thì tới đại lý thu mua trái cây, lựa lựa, sắp xếp, đóng gói…cũng được vài triệu một tháng dùng cho việc cơm nước cả ba mẹ con. Còn bà thì đi mua ve chai, bữa đặng bữa thất nhưng tất cả tiền đều dành cho con trai ăn học. Nó cũng học xong 12 đó chứ, thi đại học đậu đó chứ, nhưng tiền đâu đi học? Đành nghỉ đi làm công nhân.
Cô con gái lấy chồng, do người ta mai mối, một anh hàng xóm cách nhà ba ngã tư, bằng quan niệm của người mẹ “Lấy chồng để nương thân” bởi nhà anh ấy khá giả.
Nương thân đâu không thấy, chỉ thấy hai năm đầu thì làm osin không công cho cả gia đình chồng bởi cái quán ăn to đùng ở một Trạm dừng chân luôn đông khách, phải làm việc suốt ngày đêm. Người chồng hơn vợ 8 tuổi nhưng chẳng chịu làm ăn, chỉ đi chơi rồi đáo về, rồi ôm cọc tiền ra đi. Anh ta đi nửa năm vẫn không một cuộc gọi hay gửi một đồng về cho vợ. Cô vợ ở nhà làm việc phụ gia đình thì có cơm ăn nhưng trong tay không có một đồng nào. Muốn gọi điện thoại cho chồng thì dãy số quen thuộc hai năm qua đã không còn liên lạc được.
Cô sinh nở do mẹ ruột chăm sóc. Đầy tháng thì bên chồng đòi rước về nhưng cô nhất quyết không về. Vậy là cứng cáp một chút thì đi làm công nhân, con để nhà cho mẹ già chăm sóc. Con thì đã bập bẹ nhưng chồng vẫn chưa một lần liên lạc nên xem như “con mình đẻ mình nuôi”.
- Dạ, cuộc sống bây giờ, ai cũng có hoàn cảnh hết đó ạ…
- Thì đó cô ơi! Tui phải ráng thôi. Nhưng than vẫn cứ than cho hả vậy mà. Thiệt tình giữ hai đứa này con cực hơn ba trăm con vịt nữa. Hồi trẻ mình lấy chồng sinh con, ráng dặn lòng nuôi con lớn sẽ hết bồng ẳm coi sóc. Ai dè giờ tới cháu, mệt lắm nhưng làm sao bỏ được, đời cái mũi quay xuống là vậy.
- Vợ chồng con trai làm ăn khá không ạ?
- Khá gì, lương công nhân thôi mà. Tăng ca đến 9 -10 giờ đêm mà lương tháng tám triệu. Trừ ra đủ thứ tiền, coi như mất một đầu lương, còn một đầu nuôi sống năm con người, chưa kể đám tiệc, lễ lạt, giỗ quảy…Chưa kể quê con dâu ở tỉnh xa, mỗi năm về một lần cũng khiến tụi nó héo ruột héo gan.
Tôi nhìn qua bên kia đường theo ánh mắt xa xăm của bà. Dòng xe cứ luân phiên qua lại vun vút, khói xe cứ vờn quanh khướu giác, làn khói này chưa tan, làn khói khác đã dồn lên dày đặc cả không khí. Mùi khói xe cứ nồng nồng….
Nhiều tạp âm của tiệm sửa xe khần khật, khèn khẹt, éc éc… khiến hai đứa bé đi chung với bà khóc òa. Thằng cháu nội đòi “siêu thị …siêu thị… đi nhội... mát mà vui nhữa”. Cháu ngoại bập bẹ nói cũng “mát...dzui…”. Bà nghiêm mặt bảo tụi nhỏ im, để sửa xe chứ  “Xe hư rồi sao đi” càng khiến chúng khóc dữ.
Tôi dỗ dành hai bé, hẹn sau khi sửa xe xong bà sẽ chở các cháu đi siêu thị, giờ thì ráng một chút đừng khóc nữa. Bà nói khẽ ‘Úy trời, cô nói vậy chết tui rồi. Chút tụi nhỏ đòi đi siêu thị làm sao tui có tiền. Còn trăm ngàn sửa xe mà không biết đủ không nè”. Tôi bảo bà thì cứ cho tụi nhỏ vô chơi rồi ra chứ đâu có ai bắt buột phải mua sắm. Bà cau mày “Với con nít đừng nói dối, nó sẽ quen đấy. Mà cháu nhà tui tui biết, vô siêu thị mà không mua đồ thì nó khóc giãy chết, không chịu về đâu”.
Rồi xe cũng sửa xong, bình nhớt tám mươi ngàn, tăng đưa dây sên và xiết vài con ốc, ông Tám lấy tròn chín chục. Tôi chợt thương bà bởi ánh mắt nhìn dài theo tờ tiền mà ông thợ vừa cất vào túi. Khẽ khàng dúi vào tay bà tờ bạc màu xanh lá kèm câu “Cô cất cho cháu vui nhé! Cô cháu mình có duyên mới gặp, cô đưa các bé đi siêu thị cho chúng vui ạ”. Đôi môi bà mấp máy lời từ chối nhưng tôi đã cho xe chạy rồi.

Tôi không dám nói trách các con của bà, vì đó là sự thật của cuộc sống hiện nay. Người trẻ bươn chảy, người già trông coi gia đình, cháu chắt. Nhưng có quá sức lắm không khi một  mẹ già gối mỏi chân run mà ngày ngày vẫn phải pha từng bình sữa, đút từng chén cháo cho hai em bé? Rồi lỡ đêm hôm cơn đau bệnh bất chợt quật ngã bà.
Mẹ già ơi…bao nhiêu mẹ đã được nghỉ ngơi trong cuộc sống này?
Dòng xe và dòng người vẫn cuồn cuộn lưu thông trên con đường trải nhựa, như bảo rằng đường đời nếu dừng lại là xem như cơ thể đã không còn hoạt động chăng? 

7. 2022




NGƯỜI ĐÀN BÀ CHẠM THU

  NGƯỜI ĐÀN BÀ CHẠM THU


Người đàn bà chạm thu... 

sướt mướt mưa ngâu

khô cằn nắng hạ 

kiên cường cỏ dại dưới bão giông

yếu mềm cánh ngọc lan tả tơi trước gió


tâm hồn chợt mong manh như sợi nắng

va nhẹ chút thôi là vỡ nhòa vào bóng tối 


như ly Aperitif

nhấp ngụm đầu bờ môi cay chát

càng uống càng say, đắm chìm ngây ngất


cạn nông mặt biển trùng khơi

bạc con sóng ào ào xô bãi cát

chông chênh một chén nước đầy

lỡ thêm giọt tràn tay không còn nữa


Người đàn bà chạm thu... 

có lúc điên cuồng một tình yêu sét đánh

như thuở thiếu thời, lần đầu tay chạm mắt trao

khi thì như mưa cuối hạ dầm dề

tĩnh trầm một tình yêu thiên trường địa cửu


nặng gánh đa đoan giữa dòng đời được mất

trái tim chai bao vết xước nguệnh ngoằn 

lấy nụ cười ngụy trang những tàn phai

đem băng giá giấu che bao vụn vỡ 


Người đàn bà chạm thu... 

mặc kệ đời 

mặc phong thanh ong bướm

cũng khát khao, cũng thèm siết vòng tay

cũng thích nghe lời dành dỗ ngọt ngào 

cũng có lúc trái tim say loạn nhịp


lặng lẽ như sóng ngầm

tựa than hồng bếp lửa 

núp sau vẻ lạnh lùng chờ một ngày bùng cháy 

cháy hết mình sống lại một tình yêu 


Người đàn bà chạm thu...  


HNL




Thứ Tư, 22 tháng 7, 2020

GIÃ BIỆT 2

GIÃ BIỆT 2
ta lui về với góc nhỏ riêng ta
nơi chỉ có mây trời, trăng và gió
và chỉ riêng một mình ta ở đó
sống lặng thầm bên chiếc bóng của ta
giã biệt người ta rời chốn xa hoa
xin lánh xa những thị phi lừa dối
trốn cuộc đời đầy sân si rắm rối
tìm đường về nương náo cửa từ bi
ta trở về nơi ta đã ra đi
ngồi bên song đợi ánh trăng ngày cũ
bậc thềm xưa giờ kín rong rêu phủ
tay lần tràng lòng thầm nhẫm câu kinh
cố nương nhờ thân xác chốn vô minh
chờ qua hết kiếp phù sinh cõi tạm
nhìn đời như khói lam chiều ảm đạm
thoảng nhẹ nhàng giữa tĩnh lặng thinh không
HNL


NHỮNG KHUÔN MẶT TRẺ THƠ

NHỮNG KHUÔN MẶT TRẺ THƠ
Sáng sớm, phố phường sạch tinh như vừa tắm gội sau trận mưa đầu mùa hồi đêm. Những hàng cây trút bỏ lớp bụi bặm ngày qua, xanh biếc. Những chiếc xe còn chưa kịp ồn ào chen chúc giành đường qua mấy ngã tư và con những đường còn thấy dài thườn thượt .
Rẽ vào quán cà phê quen tìm nghe một bản nhạc của Trịnh. Chợt một khuôn mặt trẻ thơ như chờ đợi mình từ thế kỷ trước.
“Mua vé số lấy hên đi chú. Hôm nay có cặp 32 và 72 đẹp lắm nè!”
Ngạc nhiên, tôi không hiểu cậu bé độ chừng bảy tuổi này thức dậy từ lúc nào? Chẳng bù thằng bé con tôi giờ này còn đang ngủ nướng và ư ử làm nũng đến chán mới dậy để mẹ đưa tới trường. Cậu bé nghe tôi hỏi thì cười nhe mấy cái răng sún. Con dậy từ mờ đất lận. Đi bán sớm cho nhanh hết, chứ không là bán không kịp là ôm sô, quá giờ đại lý không cho đổi lại, là lỗ, là đói đó chú à.
À ra vậy! Bán vé số cũng phải cạnh tranh nữa. Nó cám ơn vì tôi đã mở hàng mua một cặp vé. “Chú có giang mở hàng, hôm nay chắc con bán hết sớm”. Cậu bé này còn biết cười và nói cám ơn. Tôi đã từng gặp những cô bé, cậu bé chín mười tuổi bộ mặt thiểu não, mếu máo bước tới dúi tập vé vào tay khách, giọng sắp khóc như bắt thường. “Sắp tới giờ xổ rồi mà còn hai chục tấm nè. Mua giùm đi”. Những đứa trẻ này có “thâm niên” nghề vé số, được chỉ vẽ hoặc tự học cách làm sao cho thiên hạ thương hại. Và bạn thử lắc đầu từ chối không mua vé của chúng xem, sẽ lập tức nhận được thái độ hết sức hỗn hào. “ Xí! Không có tiền bày đặt vô quán làm chi?”.
Có những chú bé chỉ bốn năm tuổi đã phải bước ra đường bươn trải với xấp vé số. Thằng nhỏ bận bộ đồ thun trắng đi ngang làm tôi tưởng nó đi lớp mẫu giáo, nhưng tới khi nó chìa ra tập vé số thì tôi mới hiểu. Tò mò, tôi đưa nó tờ năm chục ngàn mua tấm vé Tiền Giang, nó lôi trong chiếc túi nhỏ đeo bên mình ra một nắm tiền chừng vài trăm ngàn, giấy bạc mệnh giá 100 và 50 ngàn, chọn tiền lẻ thối lại. Đây chắc chắn sẽ là mục tiêu dễ cướp giựt nhất nếu thằng bé gặp phải một con nghiện đang thiếu tiền mua thuốc.
Hôm mùng 8/ 3, tôi đang chọn mua mấy bó hoa tặng các đồng nghiệp nữ dùm cơ quan thì có cô bé chừng sáu bảy tuổi bước vào, tay cầm xấp vé. Lại đụng vé số. Thỉnh thoảng tôi cũng khó chịu khi bước ra đường, bị chặn lại hay dí vô mặt xấp vé khi đang gấp công chuyện hoặc ngồi tâm sự với bạn bè bên ly cà phê. Nhưng cô bé này không mời chào ai mua vé số cả, nó mê mải đứng ngắm nhìn những bình hoa rực rỡ đủ màu. Rõ ràng đây là lần đầu tiên cô bé nhìn thấy nhiều hoa như thế. Tôi mua xong hoa, tính nổ máy đi mà vẫn thấy cô bé vé số mải mê trong quán hoa, liền vẫy gọi mua giùm nó cặp vé, nhưng con bé không để ý, đến khi có người vỗ vai nó bảo có người mua vé nó mới bừng tỉnh, chậm chạp đi về phía tôi, mắt ngoái lại nhìn chùm hoa trên vách. Tôi hỏi cô bé thích loại hoa nào nhất, nó chỉ bó hồng nhung trên vách. Gọi cô chủ quán mang ra một bông hoa to nhất giá tám ngàn đồng, tôi đưa cho cô bé. Chú tặng con nhân ngày 8/3 nè. Nó mở to mắt ngạc nhiên, vừa mừng vừa rụt rè cầm bông hoa đưa lên mũi hít hà. “Để chiều con mang về tặng Mẹ. Mẹ bịnh nằm hoài không ai tặng gì hết”. Hỏi thăm biết cô bé vừa bỏ học đi bán vé số vì mẹ bịnh nặng.
Buổi trưa, bên gốc me già, có hai đứa trẻ đang lúi húi cầm que sắt bới tìm trong một xe rác chưa kịp chuyển đi. Hai đứa này đen đúa, ốm nhách có vẻ từ quê mới lên thành phố kiếm sống. Thành phố bao nhiêu thứ đẹp, rộn rã, bóng loáng mà hai đứa trẻ không thèm nhìn ngắm. Đôi mắt chúng chăm chăm vào những thứ rác thải người ta vứt bỏ bên gốc cây, thùng rác. Cha mẹ chúng đâu? Làm gì?
Câu hỏi này không thể biết tường tận vì có quá nhiều thân phận trẻ thơ trên đường phố. Rồi chợt nhớ cô bé có cái mặt tròn, đỏ ửng vì nắng ở công viên thì lại rất vô tư với thân phận cha con họ (nếu người đàn ông mù kia là cha cô). Tiếng đàn, hát của người cha mù không thể thấm vào đầu óc non tơ của đứa trẻ, nó mải mê nhìn ngắm đàn kiến đang vi hành từ gốc cây sang bụi cỏ bên cạnh, để mặc chiếc nón rách dùng để tiền bố thí bị gió thổi xê dịch về phía hồ nước...
Mấy bữa đọc báo, thấy Toà án tỉnh này, quận kia đưa ra xử hai, ba người lớn can tội cướp giật, có cả giật vé số người già, tàn tật nữa chứ, rồi nào là xâm hại tình dục trẻ em, những đứa trẻ lang thang cơ nhỡ. Những nguy cơ như vậy đối với trẻ em cơ nhỡ chúng ta có thể nhìn thấy trước, có thể nhận định rằng nó sẽ xảy ra.
Và nó đã xảy ra, tiếp tục xảy ra, khi trên đường phố ta vẫn bắt gặp những khuôn mặt trẻ thơ vô tội.
HNL


CHA

CHA
con viết hàng bao nhiêu bài thơ, vậy mà chẳng viết được gì về Cha cả
bởi lẽ Cha không ồn ào, không như Mẹ yêu con bằng cách nổi sôi
chỉ lặng lẽ âm thầm, tháng ngày dõi nhìn theo từng bước chân con
khi con lỡ ngã chẳng vội nâng niu mà nhẹ nhàng dạy con đứng dậy
Cha
cây roi mây bây giờ đã không còn trên vách nữa
cũng không còn giả ngủ vùi khi Cha biểu "nằm cúi, năm roi"
thôi nhấp nhỏm mông theo nhịp roi đều đều Cha kể tội bao la
tay giơ cao rồi lại nhẹ nhàng phát xuống vài nhát răn đe con trẻ
Cha
không tiếng ầu ơ, nhưng ru ngủ con bằng bài ca "Tự nguyện"
đạp xe mấy cây số đường dài để mua cho con gái mình cái đôi bông tòn ten
cõng con băng cánh đồng chiều nắng rát thả cánh diều ước mơ
con mơ chùm sen súng mà phải lội ra giữa ao đồng ướt áo
Cha
lục đục ngồi gọt miễn dùa cho con chiếc đèn lồng đẹp nhất
tập con đạp xe hàng giờ mồ hôi đẫm lưng áo phong sương
người hay dối rằng chẳng ưa cá thịt chỉ thích ăn xương
nhường hết những miếng ngon để dành cho các con với mẹ
con lớn khôn rồi thì bận yêu người nên quên cả yêu Cha
Cha vẫn ung dung, vẫn lặng thầm dõi theo con từng bước
những lúc con sai Cha cũng chỉ nhẹ nhàng khuyên nhủ
con hạnh phúc Cha cười,
con khóc một Cha đau trăm
có viết được gì đâu,
mà biết gì đâu mà viết
bởi đâu đủ ngôn từ để nói hết tấm lòng của Cha
dẫu không dám so bì với Everest, hay ngọn Thái Sơn
nhưng là điều tuyệt nhất được tạo ra bởi bàn tay tạo hóa
con yêu Cha
HNL