HƯƠNG NGỌC LAN BLOG KÍNH CHÀO CÁC BẠN

Thứ Hai, 15 tháng 4, 2024

MÓT LÚA

Truyện ngắn: MÓT LÚA 

Xã Tân Hòa Thành quê tôi trước năm 1995 nhiều ruộng lúa lắm. Vậy mà nhà tôi ở đồng nhưng lại không có ruộng, vì chỉ có mấy trăm mét vuông đất để cất nhà mà thôi.

Mẹ tôi là cô giáo cấp 1 ở trường xã, buổi sáng đến trường dạy đám học trò quê, rồi buổi chiều hay rủ tôi đi mót lúa về để nuôi bầy gà vịt. Những bông lúa chét của cánh đồng vừa gặt hay những khóm lúa đầu bờ mà chủ ruộng bỏ sót, thì nó sẽ chui vào chiếc bao sau lưng của mẹ con tôi để sau một buổi sẽ có cả bao lúa đầy ắp.

Tôi, cô bé tuổi 12 tất nhiên là vui vẻ đi với mẹ rồi. Ngoài việc mót lúa phụ mẹ thì còn được chạy nhảy thoải mái của đôi chân sáo

Nguời làm ruộng lúc ấy còn cắt lúa bằng liềm chứ không phải dùng máy gặt đập liên hợp như bây giờ. Vậy nên lượng cây lúa còn sót cũng khá nhiều. Đó là những cây lúa lẻ loi trên đường bờ hoặc cây lúa “đẹt” quá, không cao bằng anh chị nên cái liềm không cắt được. Thành ra người cắt…bỏ luôn khiến cho người mót có lúa mà mót.

Mẹ con tôi chuẩn bị hai cái bao, nón lá đội lên đầu, dùng khăn rằn trùm đầu và bịt mặt chứ lúc ấy chưa có khẩu trang đâu. Thêm một ấm nước mát để uống là đủ dụng cụ hành nghề mót lúa.

Đôi bàn tay cô bé 12 đầy khỏe mạnh của tôi sẽ vác cái bao trên vai trái, tay phải thì rút từng bông lúa sót đó nhét vào bao. Những bước chân khỏe mạnh rảo nhanh trên ruộng lúa vì bấy giờ mặt ruộng khô hẳn rồi, không còn nhoèn nhoẹt bùn sình đâu. Một bông…hai bông…mười bông…là tôi đã bỏ xa mẹ một đoạn. Vai này vác bao mỏi thì đổi qua vai kia, để cái tay luôn khỏe mạnh mà nhanh nhảu rút những bông lúa lơ thơ trong gió kia bỏ vào bao.

Thật ra thì có nhiều bông lúa chắc nụi nhưng cũng không ít bông lúa lép xẹp. Mà có sao đâu, miễn bông lúa là cứ mót, đàn gà vịt nhà tôi không chê chắc lép gì cả, miễn đầy bao đem về cho chúng ăn là được. Mót lúa vậy chứ nhiều khi cũng “trúng mánh” lắm, đó là một mớ lúa đã cắt rồi chất đống nhưng lúc ôm bỏ lên xe thì còn sót lại do dính ngập bùn sình nên người ôm…bỏ luôn cho chim ăn. Chỉ cần gặp được ba khóm lúa bị bỏ sót như vậy thôi, kèm luôn cả mớ sình dính thì đã nửa bao nặng trĩu.

Mót lúa còn có niềm vui bất ngờ nữa là…lượm được trứng vịt hay trứng chim gì đó. Dù chỉ là một hai trứng thôi nhưng tôi vui suốt cả buổi vì cảm giác đó là “tài sản riêng” của mình. Trứng vịt lượm ở ruộng thường hay…dơ hơn trứng bán trong tiệm, trứng cũng nhỏ hơn, có lẽ vì do con vịt lo chạy theo bầy mà đẻ rớt nên trứng nhỏ vậy. Trứng chim thì nhỏ hơn hưng sẽ được bốn quả, vui ơi là vui vì cô bé tuổi 12 luôn tính phải chia sao cho công bằng với ba người mà có bốn quả trứng.

Mấy khi lượm được trứng vịt, tôi hay nói với mẹ rằng “Đừng có luộc dầm nước mắm nha mẹ! Để ấp cho nó thành con vịt, rồi nhà mình sẽ có một đàn vịt, mai mốt lớn bán nhiều tiền lắm ạ”. Mẹ cười hi hi “Ai ấp? Con hả? Rồi con vịt ăn cái gì để lớn? Không lẽ nó ăn cỏ?”.

Bóng hoàng hôn đã khuất dần, đồng ruộng mênh mông càng thanh vắng, một tiếng “mẹ ơi” cũng vọng đi rất xa khiến tôi rất sợ…ma nên mẹ con lục đục đi về.

Lúa mót về tôi còn một niềm vui nữa là chơi trò “nổ cốm”. Bếp củi nấu cơm nấu nước còn đó, lấy cái nồi cũ xì đặt lên bếp và cho vài bông lúa vào nồi. Nồi nóng, lúa nổ lung bung, có hạt nở to trắng như hoa cau văng tuốt ra ngoài đất.

Chừng nồi lúa hết nổ thì nhắc xuống, chị em thi nhau thổi phù phù cho hết nóng rồi cầm từng hạt lúa nổ thành những cái hoa bé li ti đó, bóc lớp vỏ trấu ra và “ùm” hạt cốm còn nguyên cám vào miệng.

Cảm giác vừa ngọt vừa thơm của hương lúa mùi khói, mùi nắng của sự mướt mồ hôi cả buổi chiều mà hít hà vì ngon tuyệt.

Nhưng mẹ không bao giờ chơi trò nổ cốm để cùng ăn cốm với chị em tôi được, vì mẹ còn bận soạn giáo án cho buổi dạy ngày mai. Cô giáo cấp 1 nên mẹ dạy hết các môn cho đám học trò nhỏ, chứ không phải giáo viên nào dạy môn nấy như học sinh cấp 2. Vì vậy nên Mỹ thuật, Kỹ thuật mẹ tôi cũng dạy, Âm nhạc cũng kiêm luôn. Thành ra nhà lúc nào cũng có cây đàn Mandolin và đầy ắp giấy màu, keo dán, kim may, chỉ màu… để mẹ dạy học trò thêu tên, thùa khuyết.

Bạn bè tới chơi thấy mẹ ôm đàn và hát giòn giã những bài “Bắc kim thang”, “Chú ếch con”, “Cháu yêu bà” thì đứa nào cũng tròn mắt thán phục

Nghề giáo của mẹ tôi không đem lại sự giàu sang như bao người buôn bán ở chợ hay làm vườn để trúng mùa trúng giá. Nhưng mẹ dạy tôi “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, ba làm thợ hồ luôn theo công trình xa, nhà con ba mẹ con sẽ ăn uống chẳng bao nhiêu. Nuôi thêm gà vịt trong chuồng để khi chúng lớn thì bán kiếm thêm thu nhập, trồng mấy luống rau ngoài bãi đất thừa của ông Hai hàng xóm để có được rau xanh ăn hàng ngày.

Hai chị em tôi lớn lên, đứa theo nghề giáo, đứa làm kế toán doanh nghiệp nhưng vẫn học theo mẹ sự chăm chỉ siêng năng. Căn nhà nhỏ của tôi cùng chồng con lúc nào cũng đủ rau xanh để dùng, dù ở phố không nuôi được nhiều gà vịt như mẹ ngày xưa, nhưng tôi cũng nuôi được mấy con gà mái theo mô hình “nuôi gà trên nóc nhà” để lấy “trứng sạch” cho các con dùng

Bây giờ kể chuyện mót lúa cho các con nghe, chúng đều mắt tròn mắt dẹt, hầu như chúng không tin là phải khó khăn thế nào mới có được hạt lúa, bởi vì chúng chỉ thấy mẹ…ra siêu thị là có gạo đem về.

Mẹ tôi bây giờ gối mỏi chân run, nhắc chuyện cô giáo ngày xưa sáng lên lớp, chiều ra ruộng mót lúa, mẹ chỉ cười móm mém “Hông biết hồi đó sức ở đâu mà làm việc dữ chừng vậy hén con”.

Ôi thời gian…

Tháng 7. 2022

Hương Ngọc Lan





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét