HƯƠNG NGỌC LAN BLOG KÍNH CHÀO CÁC BẠN

Thứ Hai, 15 tháng 4, 2024

TUỔI GIÀ CỦA MẸ

TRUYỆN NGẮN: 

TUỔI GIÀ CỦA MẸ 

Ông bà xưa đã nói “cái mũi luôn quay xuống” có lẽ là không bao giờ sai, nhất là trong thời buổi hôm nay. Khi mà cuộc sống luôn chộn rộn, phải bôn ba vất vả chứ không có cảnh thảnh thơi “ở nhà chồng nuôi” như phim ảnh. Ấy là chưa kể những mảnh đời của cuộc hôn nhân vỡ vụn khiến đứa trẻ thiếu cha vắng mẹ thì những đứa trẻ phải quấn quýt cùng hơi ấm ông theo bà thay cho cha mẹ. Từ đó bỗng dưng tuổi già của mẹ bỗng nhọc nhằn hơn, thời gian trong ngày như ngắn lại hơn, sức khỏe xuống dốc hơn…tất cả vì tấm lòng bao dung với con cái.

***
Dưới dốc cầu Bạch Nha có cái tiệm sửa xe của ông Tám nhót. Ông thứ Tám, cái chân bị tật phải đi cà nhót nên người ta gọi như vậy cả chục năm nay, riết rồi không ai nhớ tên thật của ông là gì nữa. Bà đến sửa xe bởi chứng “bệnh” dây sên giãn và xe phun khói đen và “có con kéc trong máy xe hay sao ấy”.
Hai đứa trẻ trên xe léo nhéo không chịu xuống, đứa ngồi sau cứ giật giật áo bà
- “Đi chơi đi "nhội", chạy ẹn ẹn nữa đi "nhội”.
Đứa ngồi trước cầm bình sữa vừa bú vừa giơ lên mặt bà bảo
- “Quại ơi…chạy i…chạy i…
hết chữa ồi…”.
Bà tháo nón bảo hiểm để lộ mái tóc đầy sương lòa xòa như không được chảy gở kỹ càng. Chiếc khẩu trang của bà cũng ám màu thời gian sau đôi bàn tay sạm đen.
Dỗ dành bọn trẻ xong rồi bà cũng xuống được xe. Trong khi chờ thợ “chẩn đoán” bệnh của xe thì bà quay sang tôi:
- Cô giáo bị hư xe hả? Nhìn cô giáo chắc bằng nửa tuổi tui! Sáu tám chứ ít gì, người ta thảnh thơi đi chùa, đi tham quan đây đó, có bệnh cũng được nghỉ. Còn tui mắc hai đứa này bốn năm nay…
- Thì bác cứ để ba mẹ của chúng giữ, mình già rồi, sức khỏe kém rồi!
Tôi trả lời mà không nồng nhiệt lắm bởi cái nắng oi mười giờ sáng tháng năm đủ làm mồ hôi bết dính vào tà áo dài đang mặc làm tôi khó chịu quá. Hôm nay đáng ra không có tiết của tôi, nhưng vì đồng nghiệp bệnh đột xuất, mà mấy pnhỏ sắp thi, và không còn thời gian học bù nên không thể bỏ được. Vì vậy nên trong tâm lý không chuẩn bị mà vẫn phải lên lớp làm tôi khá mệt mỏi. Lòng chỉ thầm mong về nhà nhanh mà thôi. Vậy mà cái xe bị xì bánh bất ngờ làm tôi phải dẫn bộ một đoạn và ghé vào tiệm sửa xe này.
Bà lão đối diện vừa quẹt mồ hôi vừa trò chuyện, kiểu như bà “thèm được nói chuyện” vậy:
- Được vậy thì đâu có cực hả cô? Đứa cháu nội thì cha mẹ nó đều đi làm, nuôi con nuôi cả mình, thì bỏ nó cho ai. Giao cho người ta giữ tháng cũng tốn ba bốn triệu, thôi mình giữ cũng đỡ tốn cho con cái. Còn đứa cháu ngoại thì cha mẹ nó ly dị, con gái tui đi làm công nhân xa từ hồi con của nó được sáu tháng. Không giữ nó, cho vô nhà trẻ cũng được, nhưng lương mẹ nó năm sáu triệu, trả nhà trẻ hết ba triệu còn gì mà sống?
Đứa con gái của bà mười chín tuổi đã lấy chồng. Chẳng là gia đình khó khăn quá, bà luôn dạy con bằng tư duy cũ “Con gái học cho lắm cũng lấy chồng sinh con, thôi nhường phần học lại cho anh đi con ạ”. Cô con gái ngoan ngoãn nghỉ học từ xong lớp Chín, ở nhà cơm nước giặt giũ, sau đó thì tới đại lý thu mua trái cây, lựa lựa, sắp xếp, đóng gói…cũng được vài triệu một tháng dùng cho việc cơm nước cả ba mẹ con. Còn bà thì đi mua ve chai, bữa đặng bữa thất nhưng tất cả tiền đều dành cho con trai ăn học. Nó cũng học xong 12 đó chứ, thi đại học đậu đó chứ, nhưng tiền đâu đi học? Đành nghỉ đi làm công nhân.
Cô con gái lấy chồng, do người ta mai mối, một anh hàng xóm cách nhà ba ngã tư, bằng quan niệm của người mẹ “Lấy chồng để nương thân” bởi nhà anh ấy khá giả.
Nương thân đâu không thấy, chỉ thấy hai năm đầu thì làm osin không công cho cả gia đình chồng bởi cái quán ăn to đùng ở một Trạm dừng chân luôn đông khách, phải làm việc suốt ngày đêm. Người chồng hơn vợ 8 tuổi nhưng chẳng chịu làm ăn, chỉ đi chơi rồi đáo về, rồi ôm cọc tiền ra đi. Anh ta đi nửa năm vẫn không một cuộc gọi hay gửi một đồng về cho vợ. Cô vợ ở nhà làm việc phụ gia đình thì có cơm ăn nhưng trong tay không có một đồng nào. Muốn gọi điện thoại cho chồng thì dãy số quen thuộc hai năm qua đã không còn liên lạc được.
Cô sinh nở do mẹ ruột chăm sóc. Đầy tháng thì bên chồng đòi rước về nhưng cô nhất quyết không về. Vậy là cứng cáp một chút thì đi làm công nhân, con để nhà cho mẹ già chăm sóc. Con thì đã bập bẹ nhưng chồng vẫn chưa một lần liên lạc nên xem như “con mình đẻ mình nuôi”.
- Dạ, cuộc sống bây giờ, ai cũng có hoàn cảnh hết đó ạ…
- Thì đó cô ơi! Tui phải ráng thôi. Nhưng than vẫn cứ than cho hả vậy mà. Thiệt tình giữ hai đứa này con cực hơn ba trăm con vịt nữa. Hồi trẻ mình lấy chồng sinh con, ráng dặn lòng nuôi con lớn sẽ hết bồng ẳm coi sóc. Ai dè giờ tới cháu, mệt lắm nhưng làm sao bỏ được, đời cái mũi quay xuống là vậy.
- Vợ chồng con trai làm ăn khá không ạ?
- Khá gì, lương công nhân thôi mà. Tăng ca đến 9 -10 giờ đêm mà lương tháng tám triệu. Trừ ra đủ thứ tiền, coi như mất một đầu lương, còn một đầu nuôi sống năm con người, chưa kể đám tiệc, lễ lạt, giỗ quảy…Chưa kể quê con dâu ở tỉnh xa, mỗi năm về một lần cũng khiến tụi nó héo ruột héo gan.
Tôi nhìn qua bên kia đường theo ánh mắt xa xăm của bà. Dòng xe cứ luân phiên qua lại vun vút, khói xe cứ vờn quanh khướu giác, làn khói này chưa tan, làn khói khác đã dồn lên dày đặc cả không khí. Mùi khói xe cứ nồng nồng….
Nhiều tạp âm của tiệm sửa xe khần khật, khèn khẹt, éc éc… khiến hai đứa bé đi chung với bà khóc òa. Thằng cháu nội đòi “siêu thị …siêu thị… đi nhội... mát mà vui nhữa”. Cháu ngoại bập bẹ nói cũng “mát...dzui…”. Bà nghiêm mặt bảo tụi nhỏ im, để sửa xe chứ  “Xe hư rồi sao đi” càng khiến chúng khóc dữ.
Tôi dỗ dành hai bé, hẹn sau khi sửa xe xong bà sẽ chở các cháu đi siêu thị, giờ thì ráng một chút đừng khóc nữa. Bà nói khẽ ‘Úy trời, cô nói vậy chết tui rồi. Chút tụi nhỏ đòi đi siêu thị làm sao tui có tiền. Còn trăm ngàn sửa xe mà không biết đủ không nè”. Tôi bảo bà thì cứ cho tụi nhỏ vô chơi rồi ra chứ đâu có ai bắt buột phải mua sắm. Bà cau mày “Với con nít đừng nói dối, nó sẽ quen đấy. Mà cháu nhà tui tui biết, vô siêu thị mà không mua đồ thì nó khóc giãy chết, không chịu về đâu”.
Rồi xe cũng sửa xong, bình nhớt tám mươi ngàn, tăng đưa dây sên và xiết vài con ốc, ông Tám lấy tròn chín chục. Tôi chợt thương bà bởi ánh mắt nhìn dài theo tờ tiền mà ông thợ vừa cất vào túi. Khẽ khàng dúi vào tay bà tờ bạc màu xanh lá kèm câu “Cô cất cho cháu vui nhé! Cô cháu mình có duyên mới gặp, cô đưa các bé đi siêu thị cho chúng vui ạ”. Đôi môi bà mấp máy lời từ chối nhưng tôi đã cho xe chạy rồi.

Tôi không dám nói trách các con của bà, vì đó là sự thật của cuộc sống hiện nay. Người trẻ bươn chảy, người già trông coi gia đình, cháu chắt. Nhưng có quá sức lắm không khi một  mẹ già gối mỏi chân run mà ngày ngày vẫn phải pha từng bình sữa, đút từng chén cháo cho hai em bé? Rồi lỡ đêm hôm cơn đau bệnh bất chợt quật ngã bà.
Mẹ già ơi…bao nhiêu mẹ đã được nghỉ ngơi trong cuộc sống này?
Dòng xe và dòng người vẫn cuồn cuộn lưu thông trên con đường trải nhựa, như bảo rằng đường đời nếu dừng lại là xem như cơ thể đã không còn hoạt động chăng? 

7. 2022




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét